Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Phân biệt các loại Camera (Phần 2)

Những thông số kỹ thuật cần quan tâm.

Các thông số kỹ thuật phần nào phản ánh chất lượng của một chiếc camera và thể hiện camera đó phù hợp hay không với một mục đích sử dụng cụ thể.

Thông số quyết định chất lượng

Chất lượng hình ảnh của một camera phụ thuộc vào những thông số: cảm biến hình ảnh (Image Sensor), độ phân giải (Resolution), độ nhạy sáng (tính theo Lux), ống kính.

Cảm biến hình ảnh (sensor): Kích thước màn hình cảm biến càng lớn thì chất lượng càng tốt. Ví dụ: cũng là cảm biến CCD của Sony, nhưng màn hình 1/3 inch sẽ có chất lượng tốt hơn loại 1/4 inch (đây cũng là hai loại cảm biến thường được dùng cho camera giám sát). Hiện tại, sensor của camera chủ yếu là do Sony và Sharp sản xuất. Chất lượng của Sony được đánh giá cao hơn, giá cũng đắt hơn. Về mặt kỹ thuật, các sensor được chế tạo từ 2 công nghệ chính: CCD (Charge-Coupled Device) và CMOS (Complementary metal–oxide–semiconductor).

Độ phân giải (resolution): Càng cao thì hình ảnh càng nét. Thường căn cứ theo giá trị TV Lines. Nếu không có yêu cầu quan sát thật rõ nét, độ phân giải 480 TV Lines là đã chấp nhận được. Dưới 480 TV Lines phục vụ cho nhu cầu quan sát ở mức đơn giản, chủ yếu nhìn thấy là được. Còn trên 480 TV Lines có giá cao, phục vụ cho nhu cầu cao hơn.

Độ nhạy sáng: Điều kiện ánh sáng là yếu tố quan trọng để camera thu nhận được hình ảnh. Thông số cường độ ánh sáng nhỏ nhất (Minimum Illumination) cho biết camera chỉ có thể hoạt động với điều kiện cường độ ánh sáng không được thấp hơn. Thông số này được tính bằng Lux (1 lux = 1 lumen/m2). Trong môi trường ánh sáng quá yếu, nếu không phải là camera hồng ngoại thì sẽ không hoạt động được. Riêng loại camera có chức năng Auto Iris (tự động hiệu chỉnh ánh sáng) có thể tự động khuếch đại từ một nguồn sáng nhỏ để quan sát được. Dưới đây là vài ví dụ về cường độ ánh sáng: 
- Ánh sáng trong ngày trời nắng: 10.000 - 25.000 lux
- Bầu trời đầy mây: 100 lux
- Đêm trăng sáng: 0,27 – 1 lux 
- Đêm không trăng: 0,002 lux
- Ánh sáng văn phòng: 320 - 500 lux

Ống kính (lens): Quyết định tầm nhìn và góc nhìn. Tiêu cự càng lớn tầm nhìn của camera càng xa. Ống kính zoom cho phép thay đổi tiêu cự để quan sát đối tượng rõ hơn. Ngược với tiêu cự là góc mở, tiêu cự càng lớn góc mở càng nhỏ và ngược lại. Góc mở càng lớn thì tầm quan sát càng rộng. Chức năng PTZ giúp tăng tầm quan sát của camera.

Trong nhà hay ngoài trời (Indoor - Outdoor)
Indoor dùng trong nhà, Outdoor cho ngoài trời. Nếu dự tính đặt camera ngoài trời thì nên chọn loại Outdoor để đảm bảo chịu được tác động khắc nghiệt của môi trường ngoài trời như mưa, nắng, ẩm, bụi bẩn...

Hồng ngoại (IR)
Camera hồng ngoại cung cấp hình ảnh cả ngày lẫn đêm, phù hợp cho những vị trí cần quan sát 24/24, những chỗ thiếu sáng cả về ban ngày như nhà kho, tầng hầm để xe. Về đêm, đèn hồng ngoại tự động bật. IR LED là thông số cho biết số lượng đèn LED hồng ngoại. Nếu có thêm thông số IR effective Sistance thì biết được khoảng cách hoạt động của tia hồng ngoại.

Những thông số khác
NR (Noise Reduction): Tính năng giảm nhiễu, làm cho hình ảnh rõ nét hơn.

WDR (Wide Dynamic Range): Bù sáng khi các điểm ảnh không cân bằng nhau về ánh sáng. WDR làm cho hình ảnh đẹp hơn ngay cả khi ánh sáng yếu.

Back Light Compensation (BLC): Chống ngược sáng, tự động bù sáng để đối tượng không bị tối do luồng ánh sáng ngược từ phía sau.

Visible Distance: Khoảng cách quan sát.

Auto IRIS: Tự động hiệu chỉnh ánh sáng.

Ngoài ra, để camera hoạt động, phải đảm bảo đủ điều kiện về nguồn điện và môi trường như nhiệt độ, độ ẩm...Về điện, vì camera dùng điện một chiều (thường là 12V DC) nên cần để ý phải có bộ chuyển đổi (adapter) từ nguồn điện xoay chiều 220V AC. Về nhiệt độ và độ ẩm không cần quan tâm nhiều nếu dùng trong điều kiện bình thường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét